Những lưu ý quan trọng để nuôi vịt đẻ đạt năng suất cao.

Friday, 13/12/2024, 01:45 GMT+7

Chuồng nuôi

Chuồng nuôi vịt cần chắc chắn, xây ở nền đất cao, bên trong chuồng đảm bảo đông ấm, hè mát. Có thể xây gạch hoặc làm bằng tre, gỗ. Mái chuồng lợp ngói, fibro xi măng, lá cọ, rạ đều được. Nền chuồng phải cao, không gồ ghề, được lát bằng gạch hoặc xi măng nhám, chất độn chuồng phải khô sạch.

Nuôi chăn thả cần chuẩn bị ao cho vịt bơi lội, ao cần lưu thông nước tốt tránh bị ô nhiễm. Trước khi nhập giống về cần phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, có thể rắc thêm vôi bột xung quanh các chân tường, các góc trong và ngoài chuồng nuôi. Sau đó để trống chuồng hai tuần mới bắt đầu nuôi.

image001

Phương thức chăn nuôi

Phương thức chăn nuôi vịt rất phong phú. Thực tế, có 2 phương thức chăn nuôi mà người nuôi có thể sử dụng:

  • Phương thức nuôi khô hoàn toàn: Phương thức này có thể chủ động kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường nước.
  • Phương thức nuôi truyền thống (nuôi nước): Với phương thức này người chăn nuôi không nên thả vịt tự do ra ao hồ, không nuôi vịt nhốt trên các sông suối, không thả vịt chạy đồng tự do, … sẽ gây ô nhiễm môi trường. Chỉ nên quây vịt đẻ trong ao hoặc thả đồng rộng có khoanh vùng để kiểm soát.

Con giống

Giống tốt là bước đầu vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả chăn nuôi. Người chăn nuôi nên chọn mua con giống ở các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng. Đối với việc lựa chọn giống, người nuôi cần cẩn trọng chọn lựa giống phù hợp. Hiện, có nhiều giống vịt hướng trứng để lựa chọn như: Vịt Khaki Campbell, Vịt Triết Giang, Vịt Cỏ màu cánh sẻ, Vịt Ðại Xuyên TC…

Trước khi kết thúc giai đoạn vịt hậu bị 2 tuần cần tiến hành chọn vịt mái lên nuôi sinh sản. Chọn những con có bộ lông sáng bóng, áp sát vào thân, khối lượng đạt chuẩn trung bình, khung xương chắc chắn, thân hình cân đối, có vùng xương chậu mở rộng, bụng mềm.

image003

Thức ăn cho vịt đẻ trứng

Thức ăn cho vịt cần phải đảm bảo đầy đủ và cân đối về dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không sử dụng thức ăn có chất kích thích tăng trọng.

Có hai dạng thức ăn cho vịt đẻ là thức ăn công nghiệp hoàn toàn và thức ăn bán công nghiệp. Nếu có sẵn điều kiện về các loại thức ăn tự nhiên như: thóc, rau xanh, bèo, ốc, … thì có thể kết hợp bổ sung vào khẩu phần ăn cho vịt đẻ, giảm lượng thức ăn công nghiệp xuống. Trộn thức ăn với tỷ lệ 70% thức ăn công nghiệp, 30% thức ăn tự nhiên là phù hợp.

Sau khi vịt đẻ trứng, đầu tiên cần tăng thức ăn lên 15%; khi tỷ lệ đẻ đạt 5% mỗi ngày tăng thêm 5g/con; tỷ lệ đẻ đạt 50% thì cho ăn tự do trong thời gian ban ngày. Ngoài thức ăn hỗn hợp, nên cung cấp cho vịt thêm thóc mầm, rau xanh, khoảng 20-30 g/con/ngày. Cho vịt ăn 2 bữa/ngày, mùa hè nên cho ăn vào sáng sớm và chiều muộn.

=> Lưu ý không nên thay toàn bộ thức ăn công nghiệp bằng thức ăn tự nhiên vì sẽ không đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho vịt đẻ.

Chăm sóc vịt đẻ trứng

Úm vịt con: đúng kỹ thuật và đủ nhiệt độ (3 ngày đầu, nhiệt độ 32-330C, sau đó mỗi ngày giảm dần 30C đến nhiệt độ phòng).Vịt càng nhỏ càng cho ăn nhiều lần trong ngày, ít nhất 4-6 lần/ngày.

Vịt hậu bị 9-19 tuần tuổi: lượng thức ăn hàng ngày cung cấp đủ theo tiêu chuẩn của giống, đảm bảo trọng lượng vịt đúng theo tiêu chuẩn, không quá béo hay quá gầy. Người nuôi nên cân vịt hàng tuần, 5% đàn để cân đối thức ăn phù hợp, đến 8 tuần cân 100% để phân loại.

Điều khiển ánh sáng: giai đoạn úm vịt nên thắp sáng đèn suốt đêm để vịt được ăn uống tốt nhất, đến giai đoạn vịt 4 tuần trở lên không cần mở đèn ban đêm. Đến khi vịt được 20 tuần tuổi bắt đầu vào đẻ cần tăng thêm ánh sáng vào ban đêm cho vịt.

Thu nhặt trứng vịt: vịt thường đẻ vào ban đêm, thu nhặt trứng vào lúc 6-7 giờ sáng để trứng không bị vịt làm bẩn hoặc bị vỡ. Trứng xếp vào khay, để nơi cao ráo, thoáng mát sẽ làm cho trứng tươi lâu hơn. Nếu trứng để ấp thì phải chuyển vào lò trước 5 ngày kể từ sau khi vịt đẻ.

Phòng bệnh cho vịt đẻ

Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ vắc xin theo lịch: Dịch Tả vịt khi vịt được 15 và 45 ngày tuổi; Viêm gan vịt khi vịt được 21 và 60 ngày tuổi; Cúm gia cầm ở 70 và 100 ngày tuổi.

Bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, chất điện giải, B – complex, một số loại kháng sinh giúp tăng cường sức khỏe đồng thời phòng bệnh cho đàn vịt. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chuồng nuôi, hạn chế tối đa mầm bệnh.

ThS. Vũ Thị Nguyện – Trường Đại học Hải Dương