Các giải pháp thay thế kháng sinh

Tuesday, 01/08/2023, 09:17 GMT+7
Chiết xuất từ cây hoàng đằng là loại kháng sinh thần kỳ từ thảo dược. Ảnh: QL.

Chiết xuất từ cây hoàng đằng là loại kháng sinh thần kỳ từ thảo dược. Ảnh: QL.

Giải pháp từ kháng sinh thảo dược

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Việt Nam được xếp vào nước có tỉ lệ kháng kháng sinh lớn trên thế giới và đã được Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo nhiều lần.

Trước thực trạng trên, bên cạnh việc ban hành các quy định về cấm sử dụng kháng sinh, Bộ NN-PTNT cùng các tổ chức nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp thay thế kháng sinh ở tất cả các khâu, từ lựa chọn con giống cho tới phối trộn các loại thức ăn có nguyên liệu là các hợp chất thảo dược.

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu đã phát triển nhiều dòng sản phẩm thay thế kháng sinh như Axit hữu cơ phối trộn Probiotic trong thức ăn chăn nuôi để cạnh tranh với vi sinh vật có hại, chế phẩm bổ sung Enzyme để tăng cường khả năng phân giải trong hoạt động tiêu hóa.

Nổi bật hơn cả là các dòng sản phẩm liên quan tới thảo dược, đây là các dòng sản phẩm tận dụng được lợi thế từ nguồn nguyên liệu thảo dược dồi dào của Việt Nam và có thể thay thế hiệu quả nhiều loại kháng sinh trong chăn nuôi. 

Điển hình là kháng sinh thảo dược chiết suất từ cây Hoàng đằng được phối trộn với thực ăn một cách tối ưu, từ đó ổn định đường tiêu hóa của vật nuôi. Hoạt chất Berberin có trong cây hoằng đằng khi trộn cùng thức ăn của vật nuôi sẽ giúp tiêu diệt hoặc kìm chế sự sinh trưởng của vi khuẩn một cách đặc hiệu, nhất là các vi khuẩn liên quan đến đường tiêu hóa, đường ruột mà không làm ảnh hưởng tới hệ vi khuẩn có ích.

Đặc biệt, tính kháng thuốc đối với Berberin là vô cùng thấp, người dân hoàn toàn có thể sử dụng bền vững các sản phẩm kháng sinh thảo dược để hạn chế sử dụng kháng sinh tổng hợp trong bảo vệ sức khỏe vật nuôi.

Ông Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Toàn Thắng. Ảnh: Quang Linh.

Ông Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Toàn Thắng. Ảnh: Quang Linh.

Khuyến khích phát triển các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh

Ông Hà Minh Tuân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Toàn Thắng cho rằng, để giảm sử dụng kháng sinh, trước hết cần tăng cường sức đề kháng của vật nuôi. Hiện nay, Công ty Thuốc Thú y Toàn Thắng đang phát triển và cung cấp ra thị trường nhiều giải pháp thay thế thuốc kháng sinh phổ biến như axit hữu cơ, các chiết suất thảo dược hạn chế vi sinh vật gây hại.

Đơn cử như sản phẩm Tannin thủy phân, đây là sản phẩm góp phần bảo vệ đường ruột, ngăn cản sự phát triển vi sinh vật có hại, nâng cao tỷ lệ chuyển hóa thức ăn và tăng cường hệ miễn dịch, qua đó giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trên đàn vật nuôi.

Các dòng sản phẩm được kết hợp giữa Canxi butyrat và Canxi lactate cùng một số axit hữu cơ sẽ giúp kiềm chế và ngăn chặn các vi khuẩn có hại trong đường ruột và kích thích hệ tiêu hóa phát triển.

Ngoài ra, khi phối trộn sản phẩm có chứa Axit hữu cơ vào nước sẽ giúp chất lượng nước uống của vật nuôi được khử khuẩn. Từ đó, nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch của vật nuôi.

Sản phâm thay thế kháng sinh trong chăn nuôi đang ngày càng được các các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm. Ảnh: Quang Linh.

Sản phâm thay thế kháng sinh trong chăn nuôi đang ngày càng được các các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm. Ảnh: Quang Linh.

Quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ NN-PTNT cũng nêu rõ “Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn”.

Chiến lược này cũng khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.

Ngoài hệ lụy liên quan đến giảm khả năng điều trị của thuốc thì vi khuẩn kháng thuốc cũng gián tiếp tăng chi phí sản xuất, thú y. Điều này khiến sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước giảm đáng kể so với mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ các quốc gia kiểm soát tốt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp.