Khó khăn và giải pháp trong giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Tuesday, 05/11/2024, 08:02 GMT+7

Thực phẩm có nguồn gốc động vật được giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, có sự kiểm soát của ngành Thú y sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm tốt công tác giết mổ gia súc, gia cầm, là tiền đề xây dựng chuỗi chế biến thực phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh Hải Dương chỉ có 3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, có sự kiểm soát của cơ quan Thú y, còn lại có đến trên 1.000 các điểm giết mổ nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư, chợ dân sinh…

Nguyên nhân tồn tại giết mổ nhỏ lẻ và những khó khăn trong quản lý

Chi phí giết mổ thấp gần như bằng 0 do gia súc, gia cầm nhập về giết mổ không phải nuôi nhốt trước khi mổ; không phải chịu chi phí kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y và chi phí bao bì nhãn mác để chứa, đựng sản phẩm sau khi giết mổ.

Chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng trong công tác quản lý giết mổ; sơ chế thực phẩm và công tác xử lý sai phạm.

Nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không qua kiểm soát thú y, để các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm ở các địa phương có cơ hội tồn tại.  

Hệ thống thú y bị đứt gẫy; nhân viên thú y xã, phường kiêm nhiệm hoặc có địa phương nhân viên làm công tác thú y không có chuyên môn.

Hoạt động giết mổ chủ yếu diễn ra vào ban đêm; các điểm nằm cách xa nhau trong khi lực lượng thú y không đủ để phủ sóng trên một địa bàn rộng nên rất khó kiểm soát. Sản phẩm vận chuyển đến chợ nhanh gọn, không cần đến xe chuyên dụng mà chỉ cần vắt thân thịt ngang xe máy là được.

Picture2

Việc đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn. Do các hộ giết mổ nhỏ lẻ không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, vì vậy cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để thực hiện xử phạt vi phạm theo quy định của Pháp luật.

 Khó khăn trong việc xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

Qua khảo sát thực tế ở nhiều tỉnh, thành, hiện không ít cơ sở giết mổ tập trung bị “chết yểu” chỉ sau thời gian ngắn hoạt động. Bởi, khi chuyển sang giết mổ tập trung, chi phí giết mổ cao và phải chịu sự quản lý của cơ quan Thú y trong quy trình giết mổ. Từ đó, không cạnh tranh được với các hộ giết mổ nhỏ lẻ có chi phí thấp hoặc không phải trả chi phí nào cho quá trình giết mổ.

Do nguồn kinh phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung rất lớn, đặc biệt đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường hiện nay.

Cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng, hoạt động đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn nhiều bất cập cũng là nguyên nhân khó kêu gọi các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Địa bàn các xã cách xa nhau, nên khi đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tập trung sẽ mất thêm chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản cho sản phẩm sau giết mổ để đưa đi tiêu thụ.

 Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Cương quyết cho dừng hoạt động các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, manh mún, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Tăng cường kêu gọi đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các huyện, thành phố, thị xã theo Quyết định số 2718/QĐ-UBND ngày 7/9/2017 của UBND tỉnh Hải Dương về việc quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở diện tích 65,83 ha đã được phê duyệt để xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn số 3042/UBND-VP ngày 16/8/2023 về việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Nghiên cứu, đề xuất quy hoạch các điểm giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm gia súc, gia cầm tại địa phương đảm bảo hiệu quả cho mục tiêu phát triển của từng địa phương.

Tham mưu với Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo thẩm quyền quản lý của cơ quan chuyên môn.

Tăng cường kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vưc giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các vùng trọng điểm. Cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.

Quản lý các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất con giống, chợ buôn bán động vật sống và truy xuất nguồn gốc sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cơ chế, chính sách lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật cũng như việc giám sát phát hiện dịch bệnh gia súc, gia cầm.

 

Nguyễn Minh Đức

Chi cục Chăn nuôi Thú y Hải Dương