Cai sữa sớm trên heo con – chọn cách cho ăn phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà chăn nuôi

Thứ ba, 05/11/2024, 07:50 GMT+7

Heo trải qua quá trình căng thẳng sinh học liên quan đến sự thay đổi sinh lý cơ thể, môi trường chăn nuôi, tiếp xúc thức ăn… từ lúc bắt đầu cai sữa mẹ. Việc cai sữa sớm giúp cho heo con tiếp xúc với thức ăn sớm hơn, góp phần tăng tính thích nghi và giảm căng thẳng trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó cai sữa sớm giúp con nái có thể sản xuất được nhiều lứa đẻ hơn trong thời gian khai thác nái. Giải pháp cai sữa sớm đã được thực hiện từ lâu ở 1 số nơi trên thế giới và 1 số trang trại ở Việt Nam. Thí nghiệm này được thực hiện nhằm khảo sát kết quả đánh giá từ 1 loại thức ăn cụ thể.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, heo trải qua nhiều sự thay đổi liên quan đến môi trường và xã hội sau khi rời khỏi mẹ, dễ gây căng thẳng cho heo con. Cai sữa là một trong những giai đoạn căng thẳng nhất dẫn đến những thay đổi về đường ruột, miễn dịch và hành vi. Khi cai sữa, heo con phải thích nghi đột ngột từ sữa lỏng dễ tiêu hóa và ngon miệng từ mẹ được chia đều trong ngày sang chế độ ăn khô rắn khó tiêu hóa và kém ngon miệng hơn, gây các rối loại đường tiêu hóa, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng (1). Theo Pluske và cs (1997) (2), những thay đổi sinh lý này ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của ruột non, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thức ăn.

Theo Guevarra và cs (2019), việc cho heo con ăn sớm sẽ ảnh hưởng lên hệ vi sinh vật đường ruột và cấu trúc đường tiêu hóa, là yếu tố quyết định sức khỏe và năng suất của động vật(4). Ở Việt Nam, cai sữa cho heo con thường được thực hiện vào khoảng 21 ngày tuổi để đảm bảo heo con có đủ thời gian bú mẹ, nhận được dinh dưỡng và miễn dịch từ sữa mẹ. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian cai sữa cũng dẫn đến một số hạn chế trong quản lý chu kỳ sản xuất, như giảm hiệu quả sử dụng của heo mẹ và gia tăng chi phí nuôi dưỡng. Cai sữa sớm, chẳng hạn vào ngày 17 tuổi, có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi như tăng số lứa heo sinh sản trong năm và giảm thời gian sử dụng chuồng trại. Tuy nhiên, việc cai sữa sớm có thể dẫn đến một số vấn đề, bao gồm nguy cơ heo con không đủ dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch, và gia tăng tỷ lệ bệnh tật (1,2,3). Do đó, cần có nghiên cứu cụ thể để đánh giá ảnh hưởng của việc cai sữa sớm lên sự phát triển và sức khỏe của heo con. Từ đó khuyến cáo nhà chăn nuôi để mang lại lợi nhuận tối ưu.

VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thí nghiệm được tiến hành trên 100 heo con sau cai sữa cùng tuổi nái, được bố trí thành 2 nhóm: nhóm thí nghiệm có 50 con cai sữa lúc 17 ngày tuổi, 50 con còn lại cai sữa lúc 25 ngày tuổi được bố trí vào nhóm đối chứng. Điều kiện nuôi dưỡng, thức ăn tập ăn, chế độ chăm sóc, vaccine….. được tiến hành như nhau trên các lô của thí nghiệm. Heo con sẽ được nuôi đến 42 ngày tuổi (tương ứng lô thí nghiệm nuôi 25 ngày, lô đối chứng nuôi 21 ngày).

Các chỉ tiêu để đánh giá năng suất của heo (lượng thức ăn ăn vào, tăng trọng trung bình, khối lượng heo, hệ số chuyển hóa thức ăn – FCR) được ghi nhận ở các ngày tuổi 21, 28, 35 và 42.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Khối lượng và tăng trọng hằng ngày của heo con khi được cai sữa sớm

Khối lượng cơ thể của heo con trong cả hai nhóm đều tăng dần qua các giai đoạn theo dõi. Tại ngày 21, nhóm cai sữa 17 ngày có khối lượng ban đầu thấp hơn so với nhóm đối chứng. Đến ngày 42, heo con ở nhóm cai sữa 17 ngày có khối lượng cao hơn nhẹ so với nhóm cai sữa 21 ngày. Điều này cho thấy phương pháp cai sữa sớm không làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về khối lượng của heo con.

image003-4
Khối lượng heo con (kg)

Bên cạnh đó, tăng trọng trung bình của heo con trong cả hai nhóm tăng lên qua các giai đoạn. Nhóm cai sữa 17 ngày có tăng trọng trung bình thấp hơn so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, từ ngày 28 trở đi, nhóm cai sữa sớm đạt tốc độ tăng trọng cao hơn, với tăng trọng trung bình cao nhất đạt 0,426 kg vào ngày 42 so với 0,420 kg của nhóm đối chứng. Ở toàn thí nghiệm, tăng trọng trung bình có sự khác biệt không quá lớn giữa hai nhóm.

image005-3
Tăng trọng hằng ngày của heo con (kg)

Kết quả thí nghiệm cho thấy việc cai sữa sớm (ngày 17) có thể giúp heo con đạt khối lượng cơ thể cao hơn so với cai sữa lúc ngày 21. Điều này có thể là do nhóm thử nghiệm đã có thời gian dài hơn để thích nghi với chế độ ăn mới sau khi cai sữa, từ đó cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất.

Lượng thức ăn tiêu thụ trung bình và hệ số tiêu tốn thức ăn của heo con

Trong suốt quá trình nuôi, lượng thức ăn tiêu thụ trung bình hàng ngày ở nhóm cai sữa 17 ngày cao hơn so với nhóm đối chứng. Cụ thể, tại ngày 21, lượng thức ăn tiêu thụ trung bình của nhóm thử nghiệm là 0,110 kg, thấp hơn một chút so với nhóm đối chứng (0,157 kg). Tuy nhiên, từ ngày 28 – 42, nhóm thử nghiệm có lượng thức ăn tiêu thụ trung bình cao hơn so với nhóm đối chứng. Nhìn chung, nhóm thử nghiệm có lượng thức ăn tiêu thụ trung bình là 0,372 kg, cao hơn nhẹ so với 0,365 kg của nhóm đối chứng.  Lượng thức ăn ăn vào hàng ngày cao hơn ở nhóm cai sữa 17 ngày chỉ ra rằng heo con ở nhóm này có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn sau khi cai sữa sớm.

Hệ số chuyển hóa thức ăn có sự chênh lệch giữa 2 nhóm. Tại ngày 21, FCR của nhóm thử nghiệm thấp hơn nhóm đối chứng (0,894 so với 1,100), cho thấy heo cai sữa sớm sử dụng thức ăn hiệu quả hơn ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đến ngày 42, FCR của nhóm thử nghiệm cao hơn nhóm đối chứng, cho thấy sự cân bằng về hiệu quả chuyển hóa thức ăn giữa hai nhóm vào cuối kỳ.

image011-1Hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR)

Lượng thức ăn ăn vào hàng ngày cao hơn ở nhóm cai sữa 17 ngày chỉ ra rằng heo con ở nhóm này có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn sau khi cai sữa sớm. Tuy nhiên, với hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) không có sự chênh lệch đáng kể, điều này cho thấy khả năng tiêu hóa và sử dụng thức ăn của heo con không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc cai sữa sớm.

KẾT LUẬN

Việc cai sữa sớm ở ngày thứ 17, heo con vẫn không bị tiêu chảy khi cai sữa, không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của heo con, mà còn giúp heo con tiếp cận sớm hơn với thức ăn viên, giúp cải thiện và hoàn thiện sinh lý tiêu hóa và hệ vi sinh vật đường ruột, giúp thích nghi với các điều kiện nuôi dưỡng sau cai sữa.

Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam